Trang

19 thg 5, 2022

GIỮ ẤM TRONG MÙA NÓNG

GIỮ ẤM TRONG MÙA NÓNG

Mới thoạt nhìn qua tiêu đề bài viết này, các bạn học viên của tôi trong lớp y học truyền thừa tưởng hôm nay ông thầy có gì khó ở, hay chắc có gì nên bị hâm chăng? Trời nóng ta đi kiếm gì mát mát chứ sao lại giữ ấm. Nhưng tôi không hâm đâu nhé vì “giữ ấm trong mùa nóng” vô cùng quan trọng. Chúng ta bắt đầu thử tìm hiểu tại sao như thế nhé!

Nước ta nằm hoàn toàn trong vòng đai nhiệt đới của nửa cầu Bắc, ở phía Đông Nam của châu Á, trong vùng gió mùa nhiệt đới điển hình nên có khí hậu nóng, ẩm. Một năm có hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. 

Vào mùa nóng - khô, cơ thể cần phải mở lỗ chân lông cho mồ hôi thoát ra. Điều này cũng hoàn toàn tự nhiên để cơ thể giải bớt nhiệt lượng do môi trường tác động, vì thế chúng ta sẽ cần bù một lượng nước và vi khoáng đã bị mất theo đường mồ hôi. Việc mồ hôi thoát ra lỗ chân lông đã lấy đi một lượng nhiệt nhất định của cơ thể, đồng nghĩa với việc nội tạng đang bị mất đi một lượng nhiệt lượng sản sinh. Nếu chúng ta bù đắp không đủ phần năng lượng bị thiếu hụt thì cơ thể sẽ suy kiệt. Phản ứng này sẽ gây ra hiện tượng say nắng bởi cơ thể bị mất điện giải, mất cân bằng sinh hóa nội môi tế bào. Ngoài ra, chính sự mất nhiệt do cơ thể thoát mồ hôi nhanh cũng làm cho hệ cân bằng sinh thái của các cơ quan nội quan bị suy giảm chức năng, ví dụ như chức năng tiêu hóa.

Ngoài ra, trong mùa nóng, cơ thể thường xuyên bị “rít rát” khó chịu do ra nhiều mồ hôi. Đối với những người “ở sạch”, cảm giác đó thật khó chịu, chỉ muốn lao ngay vào phòng tắm dội vài gáo nước cho mát và sạch, nhất là những người có thói quen tắm đêm… Việc làm này vô hình trung gây ra một cuộc xung đột ngay tại mô biểu bì và hệ tiêu độc dưới da (còn gọi là tam tiêu): một bên đưa mồ hôi ra da để thoát nhiệt, một bên lại dội nước mát làm giảm nhiệt lượng trên bề mặt da. Hậu quả là cơ thể bị mất cân bằng nhiệt bên trong, dẫn tới việc cơ thể bị nhiễm lạnh từ từ. Việc nhiễm lạnh này xảy ra âm thầm và có khi gây ra những cơn đột quỵ sau khi tắm vào mùa hè mà ít ai để ý và nghiên cứu. 

Sau thời gian dài theo dõi môi trường gây bịnh cho cơ thể, chúng tôi thấy hầu hết những bịnh cơ hội và những tình tiết tăng nặng hiện tượng bịnh lý trong mùa nóng có nhiều yếu tố, chứng trạng thay đổi, nhưng chung quy cũng do không giữ ấm đúng cho cơ thể trong mùa nóng bức, bên cạnh đó khí hậu thay đổi ngày càng thất thường khiến chúng ta dần mất cảnh giác với những sinh hoạt thường nhật làm cơ thể mất cân bằng.

Vào mùa nóng ẩm, chúng ta chỉ cần lưu ý những điều sau:

- Phải chờ thật ráo, khô mồ hôi trước khi tắm, tắm bằng nước ấm chứ không nên tắm nước lạnh. Những ai không chờ được thì giặt khăn rồi vắt thật khô để lau người. Điều này sẽ giúp cơ thể tránh nhiễm nước do hiện tượng mở lỗ chân lông (việc nhiễm nước sẽ gây bịnh lý lâu dài cho cơ thể).

- Ăn uống đầy đủ chất vi khoáng, và nhất là đừng uống quá nhiều nước đá trong lúc đang khát sẽ làm giảm “tuổi thọ” của các cơ quan nội tạng.

- Ăn chín uống sôi để phòng tránh những vi khuẩn phát triển mạnh trong mùa nóng gây ngộ độc đường tiêu hóa.

- Mỗi buổi sáng ngủ dậy tập thể dục cho khí huyết lưu thông, đem năng lượng đi khắp cơ thể; uống một ly trà có gừng, chanh, tía tô cũng là một hình thức dưỡng sinh, cung cấp dưỡng chất thiên nhiên và tăng thêm sự ấm áp cho cơ thể.

Với những lưu ý trên, quý bạn đã làm được việc “Giữ ấm trong mùa nóng” cho cơ thể để chúng ta có một sức khỏe dồi dào và phòng được vô số bịnh sau này. Cuộc sống ngày càng nhiều mối lo toan, mà một trong những mối lo đó là khi chúng ta đổ bịnh sẽ như thế nào. Vì vậy, để quẳng gánh lo đi mà vui sống, chúng ta nên trang bị cho mình những hiểu biết nhất định trong cách phòng chống bịnh tật, như thế cũng là góp phần tạo ra một cuộc sống chất lượng cho chính mình. 

SG 05/05/2022

Hậu học

Tùy Phong Phi Vân chấp bút