Trang

23 thg 12, 2022

Quay lại chủ đề sức khoẻ - chiến lược ít hao tốn nhưng hiệu quả

 Quay lại chủ đề sức khoẻ - chiến lược ít hao tốn nhưng hiệu quả

    Ngày nay, cuộc sống hiện đại, dòng đời trôi nhanh đôi lúc mình chưa kịp nhận điều gì thì cảnh trí đã thay đổi. Cuộc sống làm cho chúng ta phụ thuộc hoàn toàn và những điều kiện sống tưởng chừng tốt hơn, hoàn hảo hơn cha ông chúng ta ngày xưa, nhưng chỉ số về hạnh phúc thì chưa hẳn vậy. Nào là bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm nhân thọ,…nhiều loại bảo hiểm khác nữa để đảm bảo an toàn khi rủi ro xảy đến với cuộc sống mình, nhưng mặt khác nhiều loại bảo hiểm hiện nay đã cảnh báo cho chúng ta: “cuộc sống của chúng ta có quá nhiều rủi ro và lo toan”.

    Sự thật không ai muốn một rủi ro nào đó đến với mình và sau đó bảo hiểm sẽ thanh toán, nhất là sức khoẻ, tốt nhất là đừng phải vào bịnh viện mặc dù chúng ta đầy đủ các điều kiện về mặt bảo hiểm vật chất. Chiến lược hay nhất vẫn là làm sao đừng có bịnh xảy ra để cuộc sống mãi thanh xuân, vui vẻ. Sau nhiều biến cố trong xã hội trong thời gian vừa qua, tôi đã đề xuất chiến lược “phòng bịnh hơn chữa bịnh” bằng các biện pháp khí công, sấy huyệt khi cơ thể mệt mỏi và PHƯƠNG PHÁP DƯỠNG SINH ĐIỀU DƯỠNG BẰNG CÁCH CÂN BẰNG NĂNG LƯỢNG TRONG QUÁ TRÌNH ĂN UỐNG.

1.      Luyện tập khí công để tăng nội khí bằng các bài hít thở đơn giản, cùng với động tác dẫn khí vào kinh lạc.

2.      Phơi nắng sớm để cơ thể tăng cường hấp thụ nguyên khí để cơ thể tự điều dưỡng và tự hấp thụ các loại Vitamin, các nguyên tố vi chất mà cơ thể chỉ có thể hấp thụ khi có đủ nắng và không có cách nào khác bổ sung, và cứ tự nhiên phơi đừng sợ những gì gần đây có thông tin khuyến cáo “phơi nắng không được gì mà tăng yếu tố gây ung thư da…hoặc hãy uống bổ sung vitamin D3 chứ không cần phơi nắng”. Thật sự riêng bản thân tôi không tin những thông tin này, dù ai có chửi rủa tôi, tôi vẫn tin lẽ vận hành của trời đất.

3.      Uống nhiều nước, cân bằng điện giải khi làm việc ra nhiều mồ hôi mất nước.

4.     Giải độc các chất có gốc oxy hoá tự do trong cơ thể bằng cách: dinh dưỡng bổ sung giàu flavonoid có nhiều trong trái cây, rau củ để cân bằng năng lượng và trung hoà các gốc oxy hoá tự do lang thang trong cơ thể gây ra sự lão hoá và muôn vàn bịnh tật sau này.

5.     Dùng các loại trà xanh có một chút gừng vào buổi sáng (nếu cơ thể của bạn không bị mẫn cảm gây mất ngủ) để tăng nội khí và tỉnh táo, hoặc một cốc cà phê sữa (phải đúng là cà phê chứ không phải những thứ có màu như cà phê),…

6.    Thường xuyên dùng trà thảo mộc Đồng Dao khi mệt mỏi hoặc bị trúng mưa, hoặc mất cân bằng nội khí, mà tốt nhất một ly trà sữa Đồng dao nóng. Khi ấy bạn sẽ cảm nhận được ngay sự tan biến của mệt mỏi.

    Với những phương án nêu trên, tự tôi và những bạn bè thân cận, đã và đang dần dần rời xa những thứ bịnh thường nhật, cũng như yên tâm sống khỏe trước những bịnh tật tích lũy do sự sinh hoạt quay cuồng theo cuộc sống hiện đại, mà chúng ta không kịp giải chúng ra ngoài cơ thể, và sự tích luỹ đó tạo ra những bịnh chứng nặng nề phải dùng đến những tờ giấy bảo hiểm đầy khắc nghiệt kia. Và theo tôi chiến lược tự chủ động chăm lo sức khỏe cho mình hiện tại để bớt phải tốn kém cho mình và gia đình sau này là một chiếc lược tốt, để tôi và bạn-những người yêu quý cuộc sống thiên nhiên và tôn trọng sức khoẻ nên thực hiện, ngay từ bây giờ chứ còn chần chờ gì nữa.

(Ngày 23-12-2022, Tùy Phong Phi Vân)

13 thg 12, 2022

Trà Đồng dao một năm nhìn lại

 Trà Đồng dao một năm nhìn lại

    Đã đến lúc tôi kể cho quý bạn đọc về một trăn trở từ rất lâu, và bây giờ đứa con tinh thần đã thành hình – Trà thảo mộc Đồng dao.

    Đầu năm 1997 tôi có điều kiện làm việc với phân viện kiểm nghiệm dược phẩm Bộ Y tế ở phía nam, được các anh em chuyên gia về hoá dược trong lúc trà dư tửu hậu nói về những chuyện trong ngành thuốc Việt nam, lúc bấy giờ ngành y tế Việt nam còn được bao cấp và sự xã hội hoá ngành này chưa nhiều; các dược sỹ hàng đầu, đầy nhiệt huyết, các nghiên cứu với số máy móc lạc hậu ít ỏi nhưng phải nói các bậc thầy đó đã làm dấy lên trong tôi những suy nghĩ nhiều về những cây cỏ dược liệu có trong thiên nhiên, mà Việt nam là một nước có điều kiện nhiệt đới ẩm với sự giao mùa khắc nghiệt nhất là các tỉnh miền trung khô cằn “chó ăn đá gà ăn sỏi”, những cao nguyên màu mỡ, và dân chúng ta đang sống trên một núi dược liệu quý, hiếm. Nhưng ôi thôi thật lạ lùng, dân ta dùng cây cỏ truyền miệng một cách cả tin, thêm phần chút huyền bí. Những người có điều kiện nghiên cứu về mặt tri thức thì lại thiếu thốn về mặt phương tiện, sự hỗ trợ từ phía nhà nước lúc đó còn rất eo hẹp. Và tôi, lúc đó thật may mắn, được học về máy móc tự động hoá, nhất là những thiết bị ngành y, dược, hư hỏng không có người sửa, tôi mày mò sửa từ máy đếm khuẩn lạc, hiệu chỉnh phần mềm cho các máy sắc ký giao tiếp với máy tính, khi đó phần mềm còn thô sơ có thể dịch ngược để coi nhà sản xuất họ viết gì để hiệu chỉnh lại cho phù hợp với tình hình thiếu thốn lúc đó.

    Niềm đam mê càng được vun đắp hơn khi những kiến thức y khoa vỡ lòng của y học cận thiên nhiên (tạm gọi là y học cổ truyền hay y học truyền thừa cận thiên nhiên) từ mẹ tôi qua những bài hò vè và sự phân tích rất nôm na dễ hiểu theo cách của bà về kinh dịch, khí công, y học dưỡng sinh, một cách tiếp cận lạ lẫm chỉ với Âm-Dương, Kim-Mộc-Thuỷ-Hoả-Thổ, Khí-Huyết. Với một vài cây kim, hoặc một mảnh kim loại mài bén chích lấy một chút máu khi sốt lại có khả năng phục hồi cho những cậu bé hiếu động như tôi và nam phụ lão ấu trong vùng khi có bệnh thì đến nhờ bà. Với vài nắm lá xông, giã ra uống…bà đã đưa tôi vào một niềm đam mê cây cỏ hồi nào chính tôi cũng không biết. Đến khi cậu ruột tôi đi học tập cải tạo về vì ông là một sỹ quan của chế độ VNCH, ông có chức vụ khá cao nên ông là những người ra sau cùng, ở trong trại, ông được cán bộ quản giáo rất trọng dụng và cho làm ở trạm xá vì những kiến thức y học truyền thừa từ ông ngoại tôi, một quan ngự y triều đình nhà Nguyễn. Ông ở chung với các sỹ quan quân y cùng chung trại, trong những thời khắc khó khăn thiếu thốn, các nhân sỹ ấy đã ngồi lại tìm ra những phương pháp chữa bệnh cho bạn tù, các cán bộ, bằng những thứ cây cỏ và những phương thức cổ truyền. Tôi được học một cách bài bản có hệ thống lý luận vững chắc về y học cổ truyền, và kết hợp với những lý luận hình thái hoá học, vật lý và những tính kết hợp toán học, những mớ lý thuyết đó không còn hỗn độn mơ hồ mà là cả một chân trời khoa học rộng mở từ y học từ trường, y học nano, y học môi trường và CÒN HƠN THẾ NỮA. Càng đào sâu, càng thấy vi diệu. Từ đó tôi mới mở rộng tầm nhìn về một hệ thống y học hoàn chỉnh, với những lý luận xác đáng chính xác, và có hơn 6000 năm tích luỹ kiến thức.

    Nãy giờ, tôi hơi lan man một tí, bây giờ tôi vào vấn đề trà điều dưỡng, tôi nhắc lại là trà điều dưỡng chứ không phải là thuốc nhé. Sau một thời gian làm việc với máy móc y tế và kiểm nghiệm khai thác dược liệu, tôi mới thấy dân ta lạm dụng dùng thuốc, thuốc tây, thuốc tàu, thuốc truyền miệng vân vân và vân vân…cứ nhức đầu, xổ mũi thì cứ ra thẳng tiệm thuốc mua một liều bao gồm kháng sinh, giảm đau hạ sốt một cách vô thưởng vô phạt. Đau đầu khi quá chén với những thứ beer, rượu còn nhiều dư lượng metanol, fufuron, andehide. Những dư lượng này gây ngộ độc làm cho ngưng trệ quá trình giải độc trong cơ thể làm cho cơ thể đau nhức, các chất độc này đào thải qua gan, ấy vậy mà họ sẵn sàng uống một vốc thuốc giảm đau lại là một thứ đào thải qua gan, thông thường những chất giảm đau sẽ tác động vào cơ chế hoạt động của gan để làm giảm co thắt, tác động lên gan rất rất nhiều, tôi nhận ra nếu dân ta cứ sử dụng vô tội vạ thế này thì hậu quả không chỉ cho chính người dùng thuốc đó mà còn là một gánh nặng cho xã hội sau này – những chứng bệnh sẽ phát sinh do lạm dụng thuốc gây ra lờn thuốc.

Rồi nữa, những bà mẹ đang cho con bú, khi gặp đổi thời tiết, các bé sụt sịt, bằng một cách nào đó, các bác sỹ bây giờ cũng muốn các cháu mau lành bệnh nên cho thuốc cũng khá nặng tay, và sau đó các bé làm bạn với bệnh viện và các chứng viêm nhiễm không dứt. Sự thật thế nào? Tôi trăn trở miên man với những hiện tượng tưởng bệnh lý như vậy.

    Rồi đến dịch covid ập đến với nhiều thông tin chồng chéo hoang mang cả một xã hội, sự lúng túng đối phó đại dịch một cách phụ thuộc của các cấp chính quyền, thật sự tôi bối rối, tôi tự nhủ mình phải tìm hiểu sâu về cơ chế lây lan bệnh này dưới giác độ y học truyền thừa mà tôi được học nghiên cứu, sự liên lạc nó với những khái niệm y học cận lâm sàng. Cơ chế lây nhiễm virus, nó biến tế bào của chính người bị xâm nhập thành căn cứ của nó, chứ bản thân nó không tự sinh ra được. Từ những nhìn nhận đó tôi mới hiểu, nâng thể trạng, phòng lây nhiễm là cách thức và là chiến lược tốt nhất để phòng tránh Covid.

    Từ khi phát hiện ra việc sử dụng các thuốc kháng sinh, giảm đau, kháng viêm một cách vô tôi vạ của dân mình, tôi đặt cho tôi một câu hỏi: Có cách nào khác không? Và sau nhiều năm tôi hướng phương pháp điều dưỡng cân bằng cơ thể giải độc bằng những thứ thảo mộc xung quanh cuộc sống của chính bà con mình, cách thức tốt nhất là bù năng lượng và nâng thể trạng, tôi vận dụng tìm công thức, chiết xuất bằng nhiều cách, sau đó nhờ đến các công ty dược phẩm để dân mình bớt phụ thuộc vào sản phẩm hoá dược, nhưng họ nhìn vào khía cạnh lợi nhuận, còn tôi lại ngây thơ nhìn vào khía cạnh khác đó là sức khoẻ, giá sao cho người bình dân có thể tiếp cận được, và chúng tôi đã không gặp được nhau trong sự hợp tác đó. Sau nhều năm cho đến khi cả xã hội quay cuồng trong cơn dịch thế kỷ, tôi mới quyết định làm ra trà phát miễn phí cho các khu nhiều người nhiễm bệnh bên cạnh những túi gạo, đồ ăn mà chúng tôi góp nhặt được từ những nhà hảo tâm, và kết quả ngoài sự mong muốn.

    Sau mùa dịch, bạn bè và đồng nghiệp khuyên tôi đưa phương pháp cân bằng này ra cho đại chúng, và từ đó hơn 1 năm nay trà Đồng dao ra đời, hi vọng cung cấp một phương pháp điều dưỡng sức khoẻ để tránh bớt những “tác dụng phụ” của việc lạm dụng thuốc, cũng như tự điều dưỡng cơ thể của quý vị trước khi một cơn mệt mỏi thoáng qua lúc trái gió trở trời trở thành một bệnh lý cần phải điều trị bằng thuốc. Sản phẩm này như một lời cảm ơn của cá nhân tôi với Thiên nhiên, và những người thầy đã dạy tôi những kiến thức chân thật màu nhiệm mà tôi thấu cảm cho đến ngày hôm nay.

(13-12-2022, Tùy Phong Phi Vân)