Trang

13 thg 7, 2022

Cơn mưa thoáng qua... hậu quả bao la (Phần 3)

 

Phần 3: Những động thái nhỏ có thể tránh được hậu quả lớn

Hồi nhỏ, mỗi khi trời mưa bọn trẻ trạc tuổi chúng tôi lại vật nhau dưới mưa, về nhà đôi lúc cũng có sổ mũi nhưng cũng không đến nỗi nào. Cùng lắm ba mẹ la cho một chặp rồi cho chúng tôi ăn một chén cháo hành trứng, tiêu, bắt trùm kín mền cho ra mồ hôi, nếu sốt quá thì đắp lá sau đó chích lễ vào một vài nơi trên cơ thể, chỉ vậy thôi mà hôm sau chúng tôi lại tiếp tục tung tăng leo trèo. Những ký ức tuổi thơ cho tôi những hồi tưởng, nhưng khác nhau giữa ngày ấy và bây giờ là gì? Là chưa có thức ăn biến đổi GEN, chúng tôi leo trèo hái những thứ trái cây thuần túy thiên nhiên mùa nào thức đó nhưng hương và vị lại rất ngon. Những cơn mưa không đem theo hóa chất điều khiển thời tiết (ngôn từ khoa học là CHEMTRAIL (*)), thuốc trừ sâu và thuốc kích thích tăng trưởng bốc lên từ những cánh đồng sản lượng dồi dào, nhiều năng suất như bây giờ. Gia súc gia cầm được nuôi tự nhiên, không dùng chất tăng trọng – vốn mang theo những nguy cơ làm giảm sút sức khỏe người tiêu dùng mà vì mục đích nào đó đã bị giấu nhẹm. Chúng tôi sống và trưởng thành giữa những thiếu thốn, khắc nghiệt nhưng thật sự rất ít bịnh. Trong xóm có người bị ung thư hay đi bịnh viện là một điều thật sự khủng khiếp đối với chúng tôi chứ không nhan nhãn như bây giờ.

Từ khi tôi bắt đầu chú ý đến những ký ức sức khỏe thời tuổi thơ, những cú chích máu giật nẩy người khi bị sốt cao mà không phải tốn một viên paracetamol nào, kết hợp với những kiến thức y học cận thiên gần gũi (có vẻ bí ẩn nhưng thật ra rất khoa học nếu chúng ta được trang bị đầy đủ kiến thức), tôi chợt nhận ra một điều: “sự ngạo mạn khoa học” đã khiến chúng ta đánh mất sự liên kết giữa mình với thiên nhiên – vốn đã trải qua hàng ngàn năm đúc kết, chính điều này dẫn đến tình trạng “hết thuốc chữa” chứ không phải không có thuốc chữa. Tôi nhận ra được một tình thương bao la từ tạo hóa, dung chứa được muôn vàn mà trong đó có cả sự ngông cuồng, ngạo mạn khoa học một cách thánh thiện và từ bi. Tôi cũng nhận ra rằng phương pháp để phòng tránh những hậu quả đáng tiếc của những cơn mưa thoáng qua, những bịnh tật trái mùa luôn hiển hiện ngay trước mắt và trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Tôi chỉ sắp xếp lại cho có thứ tự khoa học, thuận theo thiên nhiên. 

Trước khi viết loạt bài này, tôi khuyên những người thân, những người mà tôi có duyên tiếp xúc trong nhiều năm thực hành những phương pháp này và thật bất ngờ, chúng rất có hiệu quả với họ. Vậy, nếu chúng ta có lỡ mắc một cơn mưa thoáng qua, trước tiên xin đừng coi thường nó nhưng cũng đừng quá lo, hãy thử thực hiện những bước sau để tự mình thực chứng với những đều xảy ra trong chính cơ thể của mình.

  1. Tránh được mưa càng nhiều càng tốt, tuyệt đối nên tránh những cơn mưa khi trời đang còn nắng, nếu có việc gấp cần phải đi thì chúng ta chờ cho bớt hơi đất thì mới mặc áo mưa rồi đi.

  2. Tránh ngâm nước mưa lâu, dễ nhiễm lạnh và các dư chất trong nước mưa hiện nay. Khi về đến nhà phải tắm nhanh bằng nước thật nóng, hoặc lau cơ thể bằng nước thật nóng. Sau đó phải mặc đồ đủ ấm trong vài giờ đồng hồ, lau mồ hôi do cơ thể điều tiết bằng khăn khô.

  3. Sau khi vệ sinh cơ thể xong làm theo những hướng dẫn sau, càng nhiều mục được thực hiện càng tốt:

  1. Dùng máy sấy tóc hoặc đèn hồng ngoại sấy những đường kinh mạch sau: phế kinh, đại trường kinh, bàng quang kinh, đởm kinh. Sẽ có hình ảnh chú giải hướng dẫn ở cuối bài viết (**)

  2. Uống một ly trà có gừng, tía tô, kinh giới...(***), hoặc uống một ly nước muối đường nóng pha vào đó một muỗng cafe rượu, hoặc một ly nước thật nóng cho vài lát gừng và một muỗng cafe rượu. Nếu không có sẵn những thứ đó thì ít nhất các bạn cũng phải uống một ly nước muối đường nóng già.

  3. Sau khi nghỉ ngơi, ta nên ăn đồ ấm nóng hoặc ăn một tô cháo hành tiêu trứng gà để tăng sự cân bằng năng lượng nội thể.

  4. Nên nghỉ ngơi tránh làm việc mất sức để cơ thể phục hồi khi mất cân bằng. Bên cạnh đó không thể không nói đến việc ngưng sinh hoạt tính dục ít nhất 24 tiếng sau khi mắc mưa và là thời gian vàng cho cơ thể phục hồi sự cân bằng.

  1. Lưu ý quan trọng: Đây là những lưu ý cực kỳ quan trọng cho những trường hợp sau:

  1. Người mắc mưa là người đang bịnh và đang sốt: không được tắm dù là nước nóng; thực hiện xông hơi bằng những thảo dược sau: gừng 50g, sả nguyên cây 100g, tía tô 100g, kinh giới 100g, 2 trái chanh cắt nhỏ để nguyên vỏ và hạt, 20g muối hạt. Cắt nhuyễn các loại thảo dược trên, cho vào 4 lít nước nóng, nấu sôi khoảng 15 phút rồi xông toàn bộ cơ thể. Sau khi xông xong, ta dùng khăn khô lau người, dùng nước xông rửa vùng kín, sau đó sấy thật khô và tuân thủ hoàn toàn mục 3 đã nêu ở trên.

  2. -  Với phụ nữ đang hành kinh, nếu mắc mưa đó là một đại họa chực chờ, nó có thể gây hậu quả tức thời, cũng có thể sẽ phát tác vài năm sau đó. Phụ nữ hành kinh mà ngâm nước, nhất là nước mưa thì hậu quả thật không thể lường được. Nhiều người hiểu nhầm việc vệ sinh cơ thể và tắm: tắm thật sự chỉ là một cách vệ sinh, nhưng trong thời kỳ hành kinh của phụ nữ (vì họ luôn nghĩ họ sẽ dơ nếu không tắm) ẩn chứa những mầm bịnh không lường trước được và không có một máy móc nào có thể đo được. Tôi sẽ đề cập nguyên lý và phương pháp vệ sinh cơ thể trong một bài viết khác.

  • Với phụ nữ đang hành kinh, phụ nữ mới sanh con mà mắc mưa và trúng hơi đất, tôi nhắc lại đó là một đại họa, chúng ta phải tuân thủ nghiêm ngặt những bước sau:

  1. Dùng 300g hẹ, 50ml dấm nuôi (nếu không có thì có thể dung dấm công nghiệp nhưng sẽ kém hiệu quả) bỏ vào một nồi nước 4 lít đang sôi theo thứ tự hẹ trước, cho nước sôi lại rồi đổ dấm vào, đậy nắp lại, tắt bếp. Sau đó xông toàn cơ thể đến khi nồi hết hơi nóng.

  2. Sau khi xông, dùng nước xông vệ sinh vùng kín, phụ khoa. Lau thật khô, mặc đồ dài tay và ấm.

  3. Thực hiện các bước trong mục 3 ở trên thật kỹ. Bên cạnh đó, khi người phụ nữ đang có kinh nguyệt, tỳ vị họ rất yếu, nên chỉ ăn đồ nấu thật nhừ và tuyệt đối không nên dung nước mát hoặc nước đá.

Trên đây là những đúc kết của tôi, những trăn trở này có vẻ dở hơi nhưng thật sự đã có rất nhiều người nhờ đó mà phòng chống được những hậu quả đáng tiếc xảy ra cho sức khỏe của họ. Trong loạt bài viết này, mục đích của chúng tôi là đưa quý bạn đọc trở về gần gũi với thiên nhiên và mong quý bạn đừng coi thường môi trường sống của mình. Với những tri kiến mà chúng tôi nêu ở trên, chúng tôi hi vọng giúp được các bạn trong những lúc phải hứng chịu những cơn mưa đột ngột làm bạn khó chịu, tự mình thử các phương pháp nhằm phòng tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra và hơn thế nữa. Nếu các bạn thấy được hiệu quả của những phương pháp này, xin hãy chung tay nhân rộng để giúp cho bạn bè, gia đình và những người hữu duyên. Xin cảm ơn và xin chào quý bạn đọc!

(*) CHEMTRAIL là một thuật ngữ để chỉ những phương pháp phun hóa chất mang kim loại nặng cấp nano để thu hút thời tiết theo ý muốn với những giải thích là để chống biến đổi khí hậu và hiệu ứng nhà kính (khá duy ý chí và hơi buồn cười – theo tôi đây là một điều làm cho chúng ta mất đi bầu trời thiên nhiên trong xanh).

(**) Hình vẽ minh hoạ sấy kinh lạc

(***) Trà Đồng dao có thành phần: Tía tô. Kinh giới, gừng, vỏ quýt 







6 thg 7, 2022

Cơn Mưa Thoáng Qua...Hậu Quả Bao La! (Phần 2)

 Phần 2: Nguyên nhân bịnh dưới nhiều góc độ y học – y học truyền thừa cận thiên nhiên

Ngày nay, bịnh viện là nơi mọi người gửi gắm sức khỏe, nhiều dụng cụ hiện đại luôn sáng điện nhấp nháy trong bịnh viện làm những bịnh nhân và ngay cả người nuôi bịnh lo toan, còn các bác sỹ tận tâm trăn trở với những chỉ số báo hiệu cận lâm sàng. Các số liệu bịnh lý có chính xác hay không sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến định hướng điều trị cho bịnh nhân. Sự phụ thuộc vào số liệu máy móc để điều trị lâu dần làm các bác sỹ mất đi sự quan sát biểu hiện lâm sàng, cũng như xem nhẹ các triệu chứng thoáng qua thể hiện trên cơ thể người bịnh. Và một điều nữa, hiện nay người bịnh quá đông, lại đa dạng bịnh khiến các bác sỹ không có thời gian để tư duy về nguyên nhân gây bịnh. Vì thế việc sử dụng số liệu máy móc cận lâm sàng để điều trị triệu chứng là điều không thể tránh khỏi. Theo tôi, các số liệu cận lâm sàng đó chỉ có giá trị tức thời và chỉ phản ảnh một phần bịnh lý của người bịnh. Vì vậy ta cần phân tích các khía cạnh lâm sàng dựa vào những biểu hiện trên cơ thể người bịnh để tìm nguyên nhân sâu xa.

Y học cận thiên nhiên lại nghiêng về xu hướng tìm sự tác động qua lại của bịnh lý - triệu chứng - môi trường gây bịnh (như thời tiết, cách ăn uống, sinh hoạt…). Sự xem xét bịnh dựa trên VỌNG-VĂN-VẤN-CHẨN (THIẾT) nhằm so sánh các triệu chứng để tìm ra đường đi của bịnh. Nhóm đối tượng mà y học truyền thừa cận thiên nhiên nghiên cứu chung quy là sự vận hành thống nhất tổng thể trên toàn bộ hệ thống cơ thể, và bịnh không phải do một cơ quan nào đó gây ra mà nó là một hệ thống liên lạc khắng khít, chỉ cần một nơi có bịnh lập tức các hệ số trong cơ thể sẽ thay đổi theo. Sự thay đổi này tuy nhỏ nhiệm nhưng khó có một máy móc hiện đại nào có đủ độ chính xác để phát hiện, chỉ khi nào sai số cộng dồn đủ lớn để máy móc có thể đo được thì tình trạng bịnh đã khá nặng rồi. Vì vậy khi chúng ta vào bịnh viện sẽ thấy thường là những ca bịnh đã nặng. Lúc đó thế mạnh của máy móc được phát huy để giải quyết những triệu chứng tức thời gây nguy hiểm cho người bịnh.

Quay lại với nguyên nhân gây bịnh của những cơn mưa thoáng qua, mới nghe thì có vẻ không có gì nhưng trong cơn mưa có nhiều điều ẩn chứa:

  • Nước mưa mang theo nhiều chất độc do bụi bẩn, đặc biệt là mưa đầu mùa.

  • Những trận mưa do sự điều tiết khí hậu do con người dùng chất hóa học cũng như bức xạ cưỡng bức mây để thay đổi thời tiết.

  • Mưa xuống lúc trời nóng bức làm cho hơi đất bốc lên tràn ngập, thực chất là do nước mưa gặp mặt đường nóng bốc lên mang theo ion những chất bẩn trên đường, và hơi ẩm tăng sinh những vi khuẩn trong không khí.

Ngoài ra về mặt cơ thể: việc thay đổi đột ngột môi trường da ảnh hưởng đến tuyến mồ hôi. Từ môi trường làm việc lạnh khô trong phòng máy lạnh, khi ta bước ra ngoài “đời thực” làm cho các lỗ chân lông mở ra để điều tiết lượng ẩm của môi trường. Cơ thể mất nhiệt do dầm mưa lâu… Tất cả tác động lên hệ thống cân bằng động của cơ thể, hệ thống năng lượng sinh học sẽ điều tiết và phục hồi nếu cơ thể đủ năng lượng nội sinh bên trong, tác động vào kinh mạch và huyệt đạo thông qua vệ khí (năng lượng sinh học chức năng có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khi bị xâm nhập từ tất cả nguyên nhân chứ không phải chỉ có hệ thống bạch cầu trong máu). Những điều này là cả một hệ thống lý luận sâu sắc từ y học vi môi trường tế bào đến y học từ trường, y học nano được ghi chép một cách khúc chiết trong nội kinh mà chúng tôi không thể lý giải trong một vài trang viết.

Sự tác động làm mất cân bằng đó làm phá hỏng dần hệ VINH-VỆ (Hệ sinh học vi mô nuôi dưỡng và bảo vệ cơ thể hoàn chỉnh của tạo hóa) trong cơ thể người. Sự mất cân bằng đó không được hiệu chỉnh điều trị kịp thời sẽ làm phá vỡ tính cân bằng nội sinh, tự nó làm hỏng hệ sinh lý trong cơ thể và gây ra bịnh. Trong trường hợp cháu gái của bạn tôi, cháu bị tác động vào hệ Thận-Tinh-Tủy-Não, những cơn mưa ban chiều dội xuống khi tuyến thận đang mở để điều tiết (từ 17g đến 19g) đã phá hỏng chức năng THỦY KHÍ - MỘT CHỨC NĂNG ĐẦU TIÊN ĐỂ SINH RA CON NGƯỜI theo y học truyền thừa cận thiên nhiên. Sự mất cân bằng của hệ thống tích lũy đã làm phá vỡ cấu trúc của hệ tế bào sau này. Trường hợp anh bạn đột quỵ và cháu trai cũng vậy, gốc của vấn đề là mất sự điều tiết kinh mạch và đương nhiên hậu quả sẽ xảy ra.

Ta có thể phòng tránh được những hậu quả đáng tiếc này không, xin quý bạn xem phần sau về phòng tránh và điều trị cơ bản. Xin cảm ơn!

(Bài viết dựa trên những nỗi trăn trở và kinh nghiệm của Tác giả "Tuỳ Phong Phi Vân")


Cơn Mưa Thoáng Qua...Hậu Quả Bao La! (Phần 1)

Phần 1: Những trăn trở

Tiêu đề bài viết này cũng là một đề tài mà tôi đã mất đến hơn 15 năm nghiền ngẫm: tại sao chỉ bị mắc một cơn mưa mà lại có những hậu quả đáng tiếc như thế? Câu chuyện để bắt đầu đề tài này xuất phát từ chuyến công tác Kontum của tôi. Tôi được một anh chị quen – vốn là họa sỹ làm mặt nạ nổi tiếng hàng đầu ở Hội An - mời đến nhà ăn cơm và nhờ xem bịnh cho cháu gái. Lúc đó, cháu đã hôn mê và bị cứng tất cả các khớp. Sau khi xem mạch và hỏi rõ nguyên nhân, trên đường về tôi vô cùng trăn trở tìm phương án để giúp cháu đỡ đau đớn vặn người trong vô thức. Trong bịnh án BVĐHYD kết luận, bịnh nhân sốt cao không rõ nguyên nhân gây nhũng não. Sau 2 tháng ở bịnh viện, gia đình đành đưa cháu về vì không còn cách điều trị. Những người bạn chung phòng trọ của cháu kể lại vắn tắt: cháu đi dạy kèm về bị mắc trận mưa lúc 5-6g chiều, vài tiếng sau thì cháu bắt đầu sốt, các bạn ra tiệm thuốc tây mua thuốc hạ sốt cho cháu nhưng không hạ sốt được. Các bạn thấy cháu nói nhảm nên đưa đi bịnh viện, và từ đó cháu không bao giờ tỉnh dậy nữa mà chỉ sống thực vật.

Về đến Sài Gòn, trong khi tôi tiếp tục suy nghĩ về nguyên nhân gây ra bịnh của cháu thì khoảng 15 ngày sau, tôi nhận thêm một tin buồn. Anh bạn dạy cùng trường do không đem theo áo mưa nên đã dầm mưa chạy về nhà để kịp ca dạy buổi tối. Khuya đó anh bị tai biến mất trong giấc ngủ. Tôi thật bàng hoàng khi nhận thêm tin buồn như vậy. 

Một năm sau, con của một anh bạn thân cũng mắc một cơn mưa sáng sớm sau khi đưa mẹ đi làm. Cơn mưa tưởng chừng thoáng qua nên lúc về nhà  cháu chỉ lau người thay đồ rồi leo lên giường ngủ tiếp. Vậy mà 3 ngày sau cháu trở thành người vẫn còn nhận thức nhưng tay chân cứng đờ không cử động được nữa. Rồi cháu yếu dần và sau đó đã trở về với đất mẹ!

Những ca bịnh bất thường sau khi trải qua một cơn mưa bất chợt như thế cứ ám ảnh tôi trong một thời gian dài, len lỏi cả trong giấc ngủ. Tôi quyết định xem xét một cách khoa học liệu có sự liên hệ nhân quả nào giữa việc bị mắc mưa và những chứng bịnh nguy hiểm phát ra sau đó không. Với những kiến thức y khoa truyền thừa và nhiều môn Đông phương học, cùng một số lý thuyết y học hiện đại, nguyên lý từ trường, điện ly sinh hóa, tôi thử đi tìm nguyên nhân. Sau nhiều năm, tôi đã nhìn ra được lằn ranh mà y học cận lâm sàng khó có thể thấy được do triệu chứng bịnh chưa rõ ràng, thế nhưng khi triệu chứng đã rõ ràng thì thật sự đã quá muộn!

Bịnh lý này được nhìn rõ hơn trong y học cận thiên nhiên dựa trên những đường dẫn truyền năng lượng sinh học hay còn gọi là kinh lạc, các điểm tiếp xúc năng lượng giữa bên trong cơ thể với môi trường bên ngoài để cân bằng năng lượng sinh học hay còn gọi là huyệt đạo. Cơ chế y học này cho ta cái nhìn sâu sắc hơn trong việc tìm nguyên nhân tạo ra bịnh một cách tổng thể. Còn việc điều trị thì tùy theo hiện tượng mà biện chứng với những cơ sở lý luận y khoa nhất định. Những lý luận cận lâm sàng đó và hệ thống y học cận thiên nhiên sẽ được tôi mổ xẻ ở phần 2 của loạt bài này. 

Xin trân trọng kính chào các bạn đọc đã theo dõi thông tin!

(Bài viết dựa trên những nỗi trăn trở và kinh nghiệm của Tác giả "Tuỳ Phong Phi Vân")