Trang

24 thg 4, 2022

SÂM VÀ NHỮNG HIỂU LẦM CHẾT NGƯỜI

 

SÂM VÀ NHỮNG HIỂU LẦM CHẾT NGƯỜI

Trong y học truyền thừa – y học cận thiên nhiên, vì tính chất truyền miệng cũng như những văn bản y thư ghi chép quá cô đọng, khúc chiết đã làm cho người học sau bối rối khó hiểu. Thông thường người dùng thuốc, nhất là những người học y học biện chứng cận lâm sàng luôn có ý nghĩ rằng phải biết rõ về các hoạt chất bên trong một loại cây cỏ nào đó, vì vậy nên rất nhiều yếu tố khách quan về dược tính cây cỏ đã bị bỏ qua, từ đó y học cận thiên nhiên dần bị mai một.

Với mong muốn đáp đền những tri thức của tiền nhân để lại, bài viết này của hậu bối dựa trên nhiều giác độ y học từ biện chứng cận lâm sàng, y học cận thiên nhiên đến giác độ nhân quả của việc sử dụng dược tính để mong độc giả hữu duyên đọc qua suy ngẫm. Nếu có sự sai sót nào hay những điều cần bổ sung xin quý độc giả thiện tri thức đừng ngần ngại góp ý. Những lời góp ý chân thật dù có thế nào đi nữa cũng là một ơn lớn cho hậu học Tùy Phong Phi Vân. Xin cảm ơn sự quan tâm của bạn đọc!

Trong giác độ y học cận thiên nhiên, nếu ai đã từng học qua đều biết SÂM (Nhân sâm) là một vị có dược tính cao và đứng đầu trong Tứ Quân Tử: “SÂM – NHUNG – QUẾ - PHỤ”. Vì lẽ đó mà SÂM được xem như một thứ thuốc bổ tuyệt diệu và hay bị lạm dụng. Sai lầm này đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến chết người một cách âm thầm. Bên cạnh đó, người ta cũng gán ghép cho những cây cỏ có rễ hình thù tương tự sâm những công dụng rất “huyền bí”, làm sai lệch bản chất dược tính của cây cỏ đó. Sự hiểu nhầm này, dù hữu tình hay vô ý, đã làm tăng giá trị của những cây cỏ không có tính “SÂM” và làm cho người tiêu dùng lầm tưởng, hậu quả là tiền mất tật mang.

Theo dược học hiện đại, để xác định một cây có phải là SÂM hay không, người ta phải phân tích hoạt chất có trong củ rễ đó, cụ thể là hàm lượng saponin sterolic và panaxozit, rất nhiều nguyên tố vi lượng và các hoạt chất acid béo quý khác. Hiện nay, người ta thường biết đến các sản phẩm sâm khô và sâm tươi từ Hàn quốc, Trung quốc, Canada. Có một sự ngộ nhận khi cho rằng sâm đỏ là sâm chính phẩm quý giá còn sâm trắng là sâm thứ phẩm. Đây là quan niệm hoàn toàn không chính xác. Theo hiểu biết của chúng tôi, hiện nay trên thị trường có hai loại nhân sâm bao gồm hồng sâm, cao ly sâm. Ngoài ra còn có bạch bì sâm (gọi tắt là sâm trắng) như sâm Mỹ, sâm Canada (trồng ở khu vực Bắc Mỹ), dã sơn sâm. Loại sâm này cắt ra có màu trắng nhạt hoặc vàng nhạt, thịt củ thường khô hơn các loại hồng sâm (có thịt đỏ thẫm hoặc vàng đậm). Theo dược học đông y, ngoài hình lý của thuốc chúng tôi còn rất nhiều hình thức để phân loại chính xác các loại sâm muốn dùng.

Nhân sâm có tên khoa học là Panax ginseng. Chữ Panax xuất phát từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “cứu chữa tất cả”, vì vậy mà sâm được xem như một thần dược chữa được tất cả các bịnh. Nhưng không vì thế mà chúng ta lạm dụng, muốn dùng sâm, người xưa đã có rất nhiều khuyến cáo, thí dụ như câu chuyện ngụ ngôn “Đau bụng phục nhân sâm... tắt tử!”. Trong y học truyền thừa(*), việc dụng thuốc hay phép chữa cũng như thuật dụng binh trong khoa học quân sự và chính trị, việc dụng thuốc phải có QUÂN – THẦN – TÁ – SỨ. Mỗi vị thuốc dù ít hay nhiều đều mang một trọng trách, không vị nào hơn vị nào trong bài thuốc ấy. Trong các bài thuốc có sâm, tác dụng không gì thay thế được của sâm chính là “LÝ KHÍ” – hiểu chính xác theo ngôn từ hiện đai là GIẢI ĐỘC. Chính tác dụng giải độc đã làm cho sâm trị được bá bịnh. Như vậy, việc dùng sâm – một vị quân dược – cần phải cẩn trọng, không được lạm dụng.

Ngày nay, các sản phẩm có nguồn gốc từ sâm được các nhà sản xuất quảng cáo rất nhiều. Mỗi nhà sản xuất đều có những nghiên cứu riêng trên giác độ dược học ứng dụng. Là người dùng, chúng ta nên đọc kỹ xuất xứ cũng như công dụng, kiểm tra các thành phần hoạt chất có thể làm cơ thể mẫn cảm gây những hậu quả về sau. Hiểu rõ bản chất dược lý và cẩn trọng khi dùng những hoạt chất có sâm là dụng ý của chúng tôi khi viết bài viết này, nhất là trong thời đại ngày nay, khi mà sự lạm dụng ngôn từ trong quảng cáo đã làm sai lệch mục đích tối thượng của việc chữa bịnh: “Làm thế nào để người bịnh mỗi ngày khỏe hơn và ít phải phụ thuộc vào thuốc hơn chứ không phải như cách mà chúng ta đang làm hiện nay là lạm dụng sự hiểu biết của mình để khiến người bịnh phải phụ thuộc vào một đế chế chữa bịnh toàn mỹ như hiện nay”.

                                                          (Tùy Phong Phi Vân chấp bút)

 (*) Y học truyền thừa là y học nghiên cứu việc hình thành sự sống, và sự hình thành của bệnh học. Phương pháp chữa bịnh của y học truyền thừa dựa trên sự tương hợp của phương pháp điều trị với trời đất thiên nhiên và được kết tinh trong hệ thống lý luận chặt chẽ được kiểm soát bởi Y-Dịch lý-Mạng số một cách rất khoa học, chúng tôi sẽ trình bày ở một dịp khác để không làm loãng bài viết này.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét