Trang

6 thg 7, 2022

Cơn Mưa Thoáng Qua...Hậu Quả Bao La! (Phần 2)

 Phần 2: Nguyên nhân bịnh dưới nhiều góc độ y học – y học truyền thừa cận thiên nhiên

Ngày nay, bịnh viện là nơi mọi người gửi gắm sức khỏe, nhiều dụng cụ hiện đại luôn sáng điện nhấp nháy trong bịnh viện làm những bịnh nhân và ngay cả người nuôi bịnh lo toan, còn các bác sỹ tận tâm trăn trở với những chỉ số báo hiệu cận lâm sàng. Các số liệu bịnh lý có chính xác hay không sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến định hướng điều trị cho bịnh nhân. Sự phụ thuộc vào số liệu máy móc để điều trị lâu dần làm các bác sỹ mất đi sự quan sát biểu hiện lâm sàng, cũng như xem nhẹ các triệu chứng thoáng qua thể hiện trên cơ thể người bịnh. Và một điều nữa, hiện nay người bịnh quá đông, lại đa dạng bịnh khiến các bác sỹ không có thời gian để tư duy về nguyên nhân gây bịnh. Vì thế việc sử dụng số liệu máy móc cận lâm sàng để điều trị triệu chứng là điều không thể tránh khỏi. Theo tôi, các số liệu cận lâm sàng đó chỉ có giá trị tức thời và chỉ phản ảnh một phần bịnh lý của người bịnh. Vì vậy ta cần phân tích các khía cạnh lâm sàng dựa vào những biểu hiện trên cơ thể người bịnh để tìm nguyên nhân sâu xa.

Y học cận thiên nhiên lại nghiêng về xu hướng tìm sự tác động qua lại của bịnh lý - triệu chứng - môi trường gây bịnh (như thời tiết, cách ăn uống, sinh hoạt…). Sự xem xét bịnh dựa trên VỌNG-VĂN-VẤN-CHẨN (THIẾT) nhằm so sánh các triệu chứng để tìm ra đường đi của bịnh. Nhóm đối tượng mà y học truyền thừa cận thiên nhiên nghiên cứu chung quy là sự vận hành thống nhất tổng thể trên toàn bộ hệ thống cơ thể, và bịnh không phải do một cơ quan nào đó gây ra mà nó là một hệ thống liên lạc khắng khít, chỉ cần một nơi có bịnh lập tức các hệ số trong cơ thể sẽ thay đổi theo. Sự thay đổi này tuy nhỏ nhiệm nhưng khó có một máy móc hiện đại nào có đủ độ chính xác để phát hiện, chỉ khi nào sai số cộng dồn đủ lớn để máy móc có thể đo được thì tình trạng bịnh đã khá nặng rồi. Vì vậy khi chúng ta vào bịnh viện sẽ thấy thường là những ca bịnh đã nặng. Lúc đó thế mạnh của máy móc được phát huy để giải quyết những triệu chứng tức thời gây nguy hiểm cho người bịnh.

Quay lại với nguyên nhân gây bịnh của những cơn mưa thoáng qua, mới nghe thì có vẻ không có gì nhưng trong cơn mưa có nhiều điều ẩn chứa:

  • Nước mưa mang theo nhiều chất độc do bụi bẩn, đặc biệt là mưa đầu mùa.

  • Những trận mưa do sự điều tiết khí hậu do con người dùng chất hóa học cũng như bức xạ cưỡng bức mây để thay đổi thời tiết.

  • Mưa xuống lúc trời nóng bức làm cho hơi đất bốc lên tràn ngập, thực chất là do nước mưa gặp mặt đường nóng bốc lên mang theo ion những chất bẩn trên đường, và hơi ẩm tăng sinh những vi khuẩn trong không khí.

Ngoài ra về mặt cơ thể: việc thay đổi đột ngột môi trường da ảnh hưởng đến tuyến mồ hôi. Từ môi trường làm việc lạnh khô trong phòng máy lạnh, khi ta bước ra ngoài “đời thực” làm cho các lỗ chân lông mở ra để điều tiết lượng ẩm của môi trường. Cơ thể mất nhiệt do dầm mưa lâu… Tất cả tác động lên hệ thống cân bằng động của cơ thể, hệ thống năng lượng sinh học sẽ điều tiết và phục hồi nếu cơ thể đủ năng lượng nội sinh bên trong, tác động vào kinh mạch và huyệt đạo thông qua vệ khí (năng lượng sinh học chức năng có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khi bị xâm nhập từ tất cả nguyên nhân chứ không phải chỉ có hệ thống bạch cầu trong máu). Những điều này là cả một hệ thống lý luận sâu sắc từ y học vi môi trường tế bào đến y học từ trường, y học nano được ghi chép một cách khúc chiết trong nội kinh mà chúng tôi không thể lý giải trong một vài trang viết.

Sự tác động làm mất cân bằng đó làm phá hỏng dần hệ VINH-VỆ (Hệ sinh học vi mô nuôi dưỡng và bảo vệ cơ thể hoàn chỉnh của tạo hóa) trong cơ thể người. Sự mất cân bằng đó không được hiệu chỉnh điều trị kịp thời sẽ làm phá vỡ tính cân bằng nội sinh, tự nó làm hỏng hệ sinh lý trong cơ thể và gây ra bịnh. Trong trường hợp cháu gái của bạn tôi, cháu bị tác động vào hệ Thận-Tinh-Tủy-Não, những cơn mưa ban chiều dội xuống khi tuyến thận đang mở để điều tiết (từ 17g đến 19g) đã phá hỏng chức năng THỦY KHÍ - MỘT CHỨC NĂNG ĐẦU TIÊN ĐỂ SINH RA CON NGƯỜI theo y học truyền thừa cận thiên nhiên. Sự mất cân bằng của hệ thống tích lũy đã làm phá vỡ cấu trúc của hệ tế bào sau này. Trường hợp anh bạn đột quỵ và cháu trai cũng vậy, gốc của vấn đề là mất sự điều tiết kinh mạch và đương nhiên hậu quả sẽ xảy ra.

Ta có thể phòng tránh được những hậu quả đáng tiếc này không, xin quý bạn xem phần sau về phòng tránh và điều trị cơ bản. Xin cảm ơn!

(Bài viết dựa trên những nỗi trăn trở và kinh nghiệm của Tác giả "Tuỳ Phong Phi Vân")


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét